-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Ceo hoàng tùng - doanh nhân trẻ khởi nghiệp ở tuổi 23
05/01/2018
Mê nghệ thuật và ánh đèn sân khấu nhưng do gia đình không có điều kiện theo đuổi nên chọn thi vào ngành Toán Tin trường Sư phạm Hà Nội 2 - song anh Lê Ngọc Tùng (CEO Hoàng Tùng) doanh nhân trẻ sinh năm 1989, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đá mỹ nghệ Ninh Bình lại quyết định theo nghiệp kinh doanh chỉ với ước mơ làm giàu cho quê hương đất nước từ việc phát triển các sản phẩm làng nghề. Đầu xuân năm mới, Tạp chí SK&MT cùng trò chuyện với vị doanh nhân trẻ có nhiều ngã rẽ này để hiểu thêm về con đường khởi nghiệp của anh.
Chào anh Lê Ngọc Tùng, anh có thể vui lòng chia sẻ với bạn đọc của Tạp chí SK&MT về lý do khiến anh từ bỏ tình yêu nghệ thuật của mình và bỏ cả nghiệp nhà giáo để đi vào kinh doanh?
Nói “từ bỏ sự nghiệp” thì hơi to tát quá bởi theo tôi thì cho tới lúc này “Nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề”. Kinh doanh giúp tôi tạo ra giá trị và hướng thiện hơn. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn bởi “thương trường như chiến trường”, là phải đấu đá, giành giật, điều đó đúng với nhiều người nhưng với tôi kinh doanh là để tạo ra lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thêm cơ hội học hỏi, thăng tiến cho nhiều người, tạo ra của cải đóng góp cho xã hội, làm thay đổi bộ mặt quê hương, đất nước. “Muốn làm từ thiện cũng phải có tiền”. Đó là động lực để tôi nỗ lực phấn đấu kinh doanh. Tôi quan niệm: Tài thôi chưa đủ, phải có Tâm và biết giữ chữ Tín.
Doanh nhân trẻ - CEO Hoàng Tùng ( sinh năm 1989)
Như vậy là, sau nhiều ngã rẽ, anh đã tìm được đam mê đích thực của mình, cảm giác khi đó là như thế nào ạ?
Tôi cảm thấy tuyệt vời và cảm ơn ông trời đã cho tôi cơ hội để nhận ra điều đó. Đối với tôi lúc đó, việc nhận ra đam mê đích thực của mình giống như được giác ngộ. Tôi đã biết mục tiêu và hướng đi của cuộc đời mình. Việc còn lại là nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để đi tới thành công.
Vậy với anh thành công đó là gì?
Để nhận xét khách quan thì Công ty đã luôn cố gắng và không ngừng nỗ lực để trở thành một trong những đơn vị uy tín và tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội làm việc, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tạo ra sự thúc đẩy cho xã hội. Nhưng xét về cá nhân tôi, đó mới chỉ là những kết quả thu được rất nhỏ, chưa thể gọi là thành công. Hơn nữa, làm kinh doanh giống leo dốc, cứ leo hết đỉnh dốc này lại đến một cái dốc khác, không khi nào ngừng lại vì khó khăn trong kinh doanh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Thành công theo suy nghĩ của tôi là hiện thực hóa được ước mơ của mình và hoàn thiện bản thân mình.
Tuổi còn trẻ, ôm một hoài bão quá lớn và đã phần nào gặt hái được thành công, anh có cảm thấy hài lòng về bản thân mình không?
Thực sự tôi chưa hề cảm thấy hài lòng về bản thân vì quản lý thời gian và công việc vẫn chưa theo ý muốn. Ngày trước tôi cũng ham học nhưng vẫn ham chơi, giờ cũng vậy ham học lắm nhưng lại cũng ham kinh doanh. Chính vì vậy, tôi muốn học và đọc thật nhiều sách hay và tìm cách để vận dụng được những kiến thức mình đọc được vào trong thực tế kinh doanh để đổi mới tư duy, đột phá và khám phá chính mình và nhìn nhận thời cuộc chính xác. Điều đó khiến tôi có động lực hơn khi tự mình cảm nhận và học tập... Tôi thường tham gia những khóa học đào tạo dành cho CEO và những khóa học kỹ năng, diễn thuyết … Những loại sách yêu thích của tôi là: “Đắc nhân tâm”, sách về đạo phật, “Dám thất bại”, “Tôi tài giỏi bạn cũng tài giỏi”, và giờ là bộ sách :"Tứ thư lãnh đạo" và muốn đọc nhiều hơn nữa...
CEO Hoàng Tùng (thứ 1, bên trái) trong Lễ Tổng kết Chương trình Đào tạo GĐĐH Doanh nghiệp (CEO)
Học về Toán tin, tại sao anh không chọn kinh doanh về công nghệ hoặc phần mềm, được coi là lĩnh vực nhọc hot của giới trẻ mà lại lựa chọn con đường phát triển làng nghề đá mỹ nghệ, một công việc khá nặng và đòi hỏi người kinh doanh nó phải có sự trải nghiệm cuộc sống cũng như một cái tâm thiền tịnh?
Như đã chia sẻ tôi thích nghệ thuật, âm nhạc từ nhỏ. Sở thích của tôi đó là mang niềm vui hạnh phúc tới những người thân bên cạnh và xã hội, thích làm từ thiện. Tuy vậy, tôi cũng từng rất ham chơi, ham chơi hơn ham học, những cám dỗ tuổi sinh viên nhiều khi gây ra những hậu quả khiến cha mẹ phiền lòng. Tối thì đi làm thuê ở quán cafe, lương lúc đó kiếm được 15.000đ/ 4 tiếng. Đúng là ngành Toán Tin lúc đó là HOT nhưng dù ham chơi vậy song cái chí nam nhi của nhà thơ Nguyễn Công Trứ luôn ở trong tôi, khi yên lặng và có lúc lại sục sôi. Khi qua nhiều ngã rẽ, nhận ra được đam mê đích thực của mình chính là lúc cái ý chí đó sục sôi trong tôi và tôi quyết định phải làm điều gì đó cho quê hương mình, cho làng nghề trống Đọi Tam của mình. Đó là cái nôi nuôi mình lớn khôn. Và đặc biệt đó là bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi đã từng ước mơ tương lai không xa làng nghề trống Đọi Tam của mình sẽ vươn xa hơn nữa. Mình sẽ có riêng một khu công nghiệp sản xuất trống. Hiện nay, tôi vẫn đang nỗ lực hiện thực hóa ước mơ đó. Cũng như ước mơ phát triển thương hiệu riêng cho làng đá mỹ nghệ Ninh Vân.
Bạn nói đúng về lĩnh vực kinh doanh này. Kinh doanh một sản phẩm nào cũng phải hiểu về nó. Một cái trống tuy bé nhỏ nhưng mang trên đó là cả lịch sử của một nền văn hóa, là cái tâm huyết của người thợ. Cũng như các sản phẩm đá mỹ nghệ, bên cạnh giá trị nghệ thuật, đó còn là văn hóa tâm linh. Để trau dồi thêm kiến thức cũng như vốn sống của mình, lúc rảnh tôi hay đi tham quan các danh lam thắng cảnh của quê hương và những khu tâm linh văn hóa lâu đời, tự xem lại bản thân và nhìn lại quá khứ của ông cha. Điều đó làm tôi thêm yêu đất nước mình, khiến trái tim mình TỊNH và hiểu rằng mình đang làm đúng. Từ đó, tôi có thêm động lực để kiên định theo đuổi và hiện thực hóa ước mơ của mình là hô biến nó thành những giá trị bền vững, trường tồn và đổi mới hơn.
CEO Hoàng Tùng - Tham dự chương trình Chìa khóa thành công - " Lựa chọn sản phẩm hội nhập TPP " .
Anh còn tham gia những hoạt động CLB Doanh Nghiệp Trẻ Hà Nội - Đêm Đoàn Viên
Có vẻ như anh hơi tham lam?
Có lẽ mình hơi tham lam thật, hay mình đã suy nghĩ quá xa. Nhưng khi học phổ thông, tôi rất thích bài thơ Đi thi tự vịnh của nhà thơ Nguyễn Công Trứ... Tôi thích cái vị độc đáo "chí nam nhi, chí làm trai, chí anh hùng” của Ông. "Đã mang tiếng ở trong trời đất/ phải có danh gì với núi sông", mỗi người, mỗi thời có cách thể hiện chí làm trai riêng. Với tôi đó là, nâng tầm làng nghề Việt, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới. Vì vậy, tôi quan niệm cuộc sống là không chờ đợi và kinh doanh là phải quyết liệt và táo bạo. Dám nhìn nhận thời cuộc và khó khăn cùng với những thất bại và phải tự nhủ lòng mình đứng lên và tự bước tiếp.
Khát vọng mạnh mẽ như vậy, anh có phương châm sống nào để có thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc kinh doanh?
Tôi ngưỡng mộ lãnh tụ Hồ Chí Minh và danh tài Võ Nguyên Giáp, đại thi hào Nguyễn Du... Ở họ, tôi nhận thấy sức mạnh của niềm tin. Tôi có một câu phương châm cho mình đó là “Ba dám, hai không .!!!”. Đó là: Dám nghĩ - Dám làm - Dám thất bại; không ngừng học hỏi và không chịu lùi bước. . .
Để cân bằng giữa cuộc sống và công việc kinh doanh với tôi lúc này thực sự không dễ. Để duy trì sức khỏe, tôi chơi thể thao; những khi quá mệt mỏi căng thẳng tôi hát, đi bar hay cùng vợ du lịch đâu đó. Tôi cũng vẫn ham chơi lắm (cười)!
Cám ơn doanh nhân Lê Ngọc Tùng. Chúng tôi tin rằng những chia sẻ này của anh sẽ là động lực rất lớn cho các doanh nghiệp trẻ cũng như với khát vọng và đầy nhiệt huyết của mình, anh sẽ thành công trong việc nâng tầm làng nghề và truyền tải những giá trị văn hóa qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Đầu xuân năm mới, chúng tôi kính chúc doanh nhân Lê Ngọc Tùng và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đá mỹ nghệ Ninh Bình an khang, thịnh vượng. Chúc anh luôn vững bước trên con đường hiện thực hóa ước mơ của mình.
Tường An - Theo báo SK&MT
Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.