Tượng phật bà khóc và vụ cháy bí ẩn có liên quan đến nhau hay không?

Admin 07/12/2017

 


Tượng Đức Mẹ trước nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn “khóc”

 


Từ vụ cháy chợ và Phật Bà khóc ở TP Mỹ Tho…

Tin đồn lan đến TP Hồ Chí Minh, hàng nghìn người với đủ mọi phương tiện kéo nhau xuống Tiền Giang để được chứng kiến hiện tượng hiếm hoi: Đức Phật Bà chảy nước mắt thương người dân mất hết tài sản sau vụ cháy. Trên các xe đò, người chen chật với lỉnh kỉnh hương hoa cùng các đồ lễ. Nhiều người đã mặc sẵn áo phật tử rì rầm đọc kinh ngay trên xe. Tuy nhiên người đến rồi đi. Khi chúng tôi đến chùa Hưng Điều Tự thì đã vắng bóng người.

Những vị trông coi chùa đã kịp giải thích cho bà con biết, không có chuyện Phật Bà Quan Âm chảy nước mắt. Vụ cháy chợ chỉ cách cổng chùa có trên 200m đã tung bụi cháy, tàn tro phủ khắp khu vực trong cơn mưa nhỏ. Nhiều tàn tro đã theo nước mưa đọng lại trên mặt tượng giống như dòng nước dưới mắt tượng, làm cho nhiều người tưởng bức tượng đang khóc, nghĩ ra nhiều chuyện thiêng liêng. Một đồn trăm, trăm đồn ngàn, nhiều người đã tập trung chiêm bái làm tắc cả đường. Ông Thiện Lâm, Phó Ban y tế của chùa Hưng Điều Tự dẫn chúng tôi vào thăm bức tượng Phật Quan Âm trước giảng đường. Đó là một pho tượng được đổ bằng bê tông, sơn trắng, hình tượng Phật Quan Âm đang ban phúc, cao trên 2m, có dáng điêu khắc đẹp. Sau khi được vệ sinh sạch sẽ, pho tượng óng lên trong nắng với nụ cười từ bi. 

Chùa Hưng Điều Tự nổi tiếng khắp tỉnh Tiền Giang vì có nhiều cư sĩ có tài đông y đã tổ chức nhiều đợt khám bệnh cho người nghèo và cấp thuốc nam từ thiện. Ngay gần chùa là chợ trái cây Thạnh Trị, một trong những chợ trái cây lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với trên 100 vựa trái cây cung cấp cho cả nước và xuất khẩu. Trưa ngày 8-10, lửa đã bốc lên từ một vựa trái cây giữa chợ do chủ vựa hàn lại khung vựa bất cẩn gây nên. Vụ cháy đã thiêu rụi 63 vựa trái cây, gây thiệt hại nặng nề cho các tiểu thương. May mà lực lượng cứu hỏa đã đến kịp thời, hai mặt giáp công, từ dưới sông và từ trên đường phun nước mạnh nên chỉ sau nửa giờ phát hỏa, đám cháy đã được dập tắt. Bụi tro sau đám cháy đã phủ đen một vùng phường 7, TP Mỹ Tho làm tượng Phật Hưng Điều Tự cũng bị vạ lây. 

Ngay sau đó, các cư sĩ trong Hưng Điều Tự đã phản ứng kịp thời, lau rửa tượng Phật cho sáng đẹp và giải thích cho những người mê tín dị đoan hiểu vết bụi trên mặt tượng chỉ là bụi tro của đám cháy, nên tin đồn nhanh chóng bị dập tắt. Việc các tượng Phật, tượng Thánh, tượng Đức Mẹ trong các cơ sở thờ tự do một số yếu tố tự nhiên với thời gian thường xuất hiện nhiều vệt bẩn, vệt xước trên mặt. Nhiều người mê tín dị đoan đã vội tin đó là Phật khóc, Đức mẹ khóc và đưa ra nhiều thông điệp gây bất ổn xã hội, nhiều khi những tin đồn này còn bị những thế lực thù địch lợi dụng để âm mưu gây rối trật tự công cộng.
 


Đến vụ Đức mẹ khóc ở Long An

Từ ngày 5-11-2010 xuất hiện tin đồn tượng Đức Mẹ ở nhà thờ Văn Hiệp, thị trấn Hiệp Hòa (Đức Hòa, Long An) rung và chảy nước mắt. Đêm mồng 9, rạng ngày 10-11-2010, lại xuất hiện tin đồn tượng Đức Mẹ chớp mắt, kích thích tâm lý hiếu kỳ khiến hàng nghìn lượt người đổ tới tìm hiểu.

Bên cạnh việc tụ tập đông người là tình trạng buôn bán thức ăn, thức uống, bãi giữ xe tự phát… mọc lên, lấn chiếm lòng lề đường, tình trạng rác thải bừa bãi, nạn tung tin tác động mê tín dị đoan cũng bùng phát, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân địa phương.

Anh Trịnh Dân Duy - một người dân nhà cạnh tượng Đức Mẹ ở khu vực nhà thờ Văn Hiệp, thuộc khu vực 2, thị trấn Hiệp Hòa - bức xúc: Đa số nhân dân quanh khu vực thuộc thành phần lao động, nên tình trạng đông người tụ tập suốt ngày đêm như thế khiến việc ăn ngủ, nghỉ ngơi, làm việc của họ gặp nhiều khó khăn. Số người tới xem cứ nhằm vào trước cửa nhà anh cùng những hộ chung khu vực để vứt rác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng vệ sinh môi trường và trật tự mỹ quan khu vực. Qua tìm hiểu xác định sự việc bắt đầu từ sự tung tin của một người phụ nữ 61 tuổi tên N.K.H. Bà H. cho rằng bà thấy Đức Mẹ rung, rồi từ đây, tin được đồn thổi lan rộng thêm bằng tình tiết mới như tượng Đức Mẹ chảy nước mắt. Sau này, bà H. lại cho rằng do mình tuổi đã cao, mắt kém nên khi nhìn lâu vào tượng Đức Mẹ có cảm giác như tượng Đức Mẹ rung. Cuối cùng, khi cơ quan chức năng vào cuộc mới xác định: Tượng Đức Mẹ rung là do gần đây, Hội đồng giáo xứ nhà thờ tổ chức thay một số bóng đèn từ đèn sợi đốt sang đèn nê-ông trên tượng đức mẹ, khi bật đèn, người nhìn lâu có cảm giác tượng bị rung. Còn tượng mẹ khóc là do bụi bám khoé mắt… Một số kẻ xấu lợi dụng hiện tượng này tung tin đồn nhảm để kiếm tiền. Một thùng công đức đã được bày ra cùng với các điểm giữ xe, bán đồ ăn uống, dịch vụ mọc lên xung quanh nhà thờ, kiếm được cũng không ít…  

Và giữa thành phố Hồ Chí Minh

Theo một nguồn tin chính thức, câu chuyện bắt đầu từ một em bé bán xổ sốquanh khu vực tượng đài trước Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn. Khoảng 2 giờ chiều thứ Bảy (29-10-2005), như thường lệ, em vẫn hay ngồi nghỉ trưa tại đây. Mặc dù “không có đạo” nhưng em rất thích nhìn ngắm gương mặt đẹp tượng người phụ nữ đứng sừng sững giữa quảng trường lộng gió này. Và chính em đã phát hiện những dòng nước từ mắt, chảy dài trên má và đọng lại nơi cằm của tượng Đức Mẹ. Ngay lập tức tin này được truyền đi nhanh chóng. Kể từ đó, dòng người không ngớt đổ về quảng trường Công xã Paris, cho đến những ngày đầu tháng 11-2005, rất đông các giáo hữu đến quan sát nhưng rồi “không chịu về” và “quyết ở lại cầu nguyện, ca hát thánh ca. Mọi người đứng, ngồi, quỳ đủ mọi tư thế dưới chân tượng Đức Mẹ. Chưa bao giờ kinh Kính Mừng lại được “râm ran” khắp khu trung tâm nổi tiếng của Sài Gòn. Hết tốp này, đến tốp khác xướng kinh. Mệt thì tìm bóng cây nghỉ ngơi, khỏe thì lại đọc kinh tiếp. Các bài hát về Đức Mẹ vang lên gần xa. Rất nhiều người trong số họ không phải là người Công giáo. Nhưng chính họ lại có vẻ bàn tán và “say mê” Đức Mẹ của “người có đạo” ghê gớm. 

Gần như ngay lập tức nhiều phương tiện truyền thông hải ngoại cất lên những bài ca rền rĩ thương cho dân Sài Gòn đang đau khổ trong đói nghèo cùng những dự đoán về những biến cố khủng khiếp. 

Cũng không lâu, càng nhìn kỹ mọi người càng xác định, vệt màu dưới mắt tượng Đức Mẹ thật sự chỉ là vệt bẩn do… chim gây ra và để đảm bảo cả về mặt thẩm mỹ lẫn độ bền của tượng cần sớm làm vệ sinh. Và ngày 4-11 nghĩa là sau khi bùng phát sự kiện 6 ngày, Hồng y Phạm Minh Mẫn đã cho phổ biến một Thư chung cùng giáo dân giáo phận TP Hồ Chí Minh khẳng định: Cho đến nay, những dữ liệu thu thập được không phải là bằng chứng khách quan để có thể khẳng định tượng Đức Mẹ đã khóc.

Và cuộc tụ tập của những người dị đoan đã chấm dứt một cách lặng lẽ. Các phương tiện truyền thông xuyên tạc cũng im lặng nốt.

Cũng chỉ là mê tín dị đoan

Trong lịch sử giáo hội công giáo đã có ghi về hiện tượng tượng Đức Mẹ chảy nước mắt, chảy máu, ứa dầu… Có những thống kê cho thấy hàng nghìn thông tin về các vụ tượng Đức Mẹ khóc với nhiều tình tiết kỳ lạ. Tuy nhiên cho đến nay, chính Giáo hội Công giáo cũng bác bỏ tất cả các hiện tượng đó, trừ một trường hợp ở Nhật do chưa giải thích được. Chính giáo hội cũng khẳng định niềm tin vào những hiện tượng đó là dị đoan. Còn trong Phật giáo, nhiều vị cao tăng cũng như các nhà nghiên cứu Phật học cũng tuyên bố, những niềm tin vào những hiện tượng Phật khóc, Phật cười, Phật ban phép lạ chỉ là những trò lừa bịp. Thờ Phật là để tự răn mình không phải là để cầu phép lạ. Những chuyện về tượng khóc đã cho chúng ta nhiều bài học.
 

Báo ANTĐ Cuối tuần cũng đã đăng bài viết “Tượng thần biết uống sữa” thông tin  về hiện tượng những pho tượng thần Hindu biết “uống sữa” tại New Delhi, Ấn Độ. Ngay lập tức câu chuyện phép màu huyền diệu này lan rộng sang các cộng đồng Hindu ở Mỹ, Anh, Canada, Singapore, Thái Lan… Các tín đồ Hindu tại các quốc gia đã quây quần bên các ngôi đền Hindu cầu nguyện để tận mắt chứng kiến các pho tượng thần Krishna, Brahma, Nandi, Ganesh… “uống sữa”.  Sau đó, nhiều giả thiết và sự luận giải đã được đặt ra, trong đó các nhà khoa học Ấn Độ cho rằng hiện tượng “uống sữa” của các pho tượng Hindu là khoa học tự nhiên, có thể giải thích bằng định luật vật lý như: hoạt động mao dẫn, độ bám dính hoặc liên kết. Theo họ, rất có thể đây chỉ đơn giản là sự thẩm thấu, theo thời gian những bức tượng lâu năm bắt đầu “rỗ mặt” nên  hút nước nhanh hơn bình thường.
Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN